Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (dịch COVID-19) đang bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới, để lại tác động chưa từng thấy trong 3-4 thập niên gần đây về y tế, trong đó có công nghiệp dược và trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng y tế Úc Greg Hunt tại kho dự trữ y tế quốc gia của Úc vào tháng 1-2020. Ảnh: Twitter |
Mặc dù tổng giám đốc và các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang còn rất dè dặt về việc công bố đây là một đại dịch, nhưng trên phương tiện truyền thông thế giới, các nhà phân tích chính sách và chuyên gia y học không ngần ngại sử dụng từ “pandemic” (đại dịch).
Vắcxin mới không theo kịp sự biến chủng của các vi khuẩn
Có thể thấy, khả năng nghiên cứu – phát triển các thuốc mới và văcxin mới không theo kịp sự biến chủng của các vi khuẩn, sự kháng lại các thuốc đã có (trường hợp kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn) và sự biến chủng của virus mà trường hợp COVID-19 là một ví dụ điển hình.
Peter Marks, giám đốc Trung tâm đánh giá và nghiên cứu thuốc sinh học của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA), tại một hội nghị quốc tế gần đây đã phát biểu trong bài khai mạc: “Việc nghiên cứu phát triển một văcxin không thể ngăn chặn được một đại dịch”.
Marks cũng đề cập một nguy cơ khác liên quan đến dịch COVID-19 là “chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu bị phá vỡ vì lý do các hóa chất cơ bản (basic chemicals) dùng để tổng hợp các dược chất (active pharmaceutical ingredient: API) đều do Trung Quốc sản xuất”.
Ngày 25-2-2020, thanh tra Stephen Hahn (US FDA) cảnh báo: “Việc bùng phát dịch COVID-19 sẽ tác động đến chuỗi cung ứng dược phẩm, kể cả việc sẽ thiếu hụt các thuốc thiết yếu ở Hoa Kỳ”, tại cuộc họp của Bộ Y tế Hoa Kỳ về chủ đề bùng phát dịch COVID-19.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã gửi cho FDA một bức thư bày tỏ lo ngại bùng phát dịch COVID-19 sẽ đe dọa gây ra sự thiếu hụt khoảng 150 thuốc kê đơn, trong đó có các thuốc kháng sinh, thuốc generic và biệt dược không thể tìm thấy sản phẩm thay thế trên thị trường.
Josh Hawley cũng yêu cầu FDA Hoa Kỳ có biện pháp cấp bách để đảm bảo thuốc và trang thiết bị y tế chất lượng cao cho nhân dân trong trường hợp xảy ra các khủng hoảng y tế.
Một cửa hàng ở Anh bán giá 2,5 bảng, hơn 74.000 đồng một cái khẩu trang y tế thật bình thường. Ảnh: Twitter |
Lo gián đoạn nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp dược
Vấn đề cung ứng thuốc còn có khả năng sẽ trầm trọng hơn khi một số quốc gia có khả năng nghiên cứu – phát triển và cung cấp dược phẩm bắt đầu có động thái hạn chế xuất khẩu. Mặc dù chưa phải là quốc gia có nhiều người nhiễm COVID-19, Chính phủ Anh đang chuẩn bị để đối phó với sự bùng phát dịch thông qua một loạt các biện pháp, trong đó có việc Cơ quan Kiểm soát dược phẩm và các sản phẩm y tế (MHRA: Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency) đã ban hành một danh mục các dược phẩm bị cấm xuất khẩu song song (parallel export).
Trong danh mục này có hai dược phẩm bổ sung đáng chú ý: dược phẩm liều kết hợp cố định lopinavir + ritonavir và chloroquine phosphate, hai dược phẩm đang được Bộ Khoa học – công nghệ Trung Quốc và WHO coi là những dược phẩm tiềm năng có khả năng chống lại virus corona. Việc cấm xuất khẩu song song hai dược phẩm nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26-2-2020.
Ấn Độ, quốc gia được coi là có nền công nghiệp dược phẩm, đặc biệt là nền công nghiệp sản xuất các thuốc generic hàng đầu thế giới, đang cảm nhận ngày càng rõ các rủi ro gây ra bởi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.
Nguy cơ trước mắt của công nghiệp dược Ấn Độ là sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu dược từ Trung Quốc do dịch đã làm ngừng trệ các ngành sản xuất của quốc gia từng được coi là “công xưởng của thế giới”, trong đó có nền công nghiệp dược.
Các nhà máy dược phẩm của Ấn Độ, do nhiều lý do, trong đó có lý do dự trữ nguồn nguyên vật liệu sản xuất thấp để giảm chi phí, hạ giá thành, chỉ có dự trữ tồn kho cho sản xuất khoảng 3-4 tháng. Nếu dịch COVID-19 ở Trung Quốc không được khống chế và nền sản xuất không sớm được khôi phục trở lại thì thiếu nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm của Ấn Độ là nguy cơ hiển hiện.
Mặt khác, việc đứt nguồn cung nguyên liệu sẽ làm cho giá đầu vào tăng, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng. Trong điều kiện chính phủ quản lý giá thuốc chặt chẽ, lợi nhuận của công nghiệp dược sẽ giảm sút và có tác động lâu dài đến tái đầu tư phát triển.
Hội đồng xúc tiến xuất khẩu thuốc (Pharmexil) của Ấn Độ cho biết: “Giá nguyên liệu paracetamol đã tăng từ 250-300 rupee/kg lên 400-450 rupee/kg, tương tự giá montelukast natri cũng tăng đến 52.000-58.000 rupee/kg so với 33.000-38.000 rupee/kg vài tháng trước.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý dược Ấn Độ, 57 nguyên liệu gồm các kháng sinh thiết yếu, vitamin, hormone steroid sẽ cạn kiệt nếu dịch COVID-19 ở Trung Quốc kéo dài. Danh mục này bao gồm: azithromycin, amoxicillin, ofloxacin, metronidazole, các vitamin B12, B1, B6, E, hormone progesterone, atorvastatin và các thuốc tim mạch…
Một số nguyên liệu dược, đặc biệt là các kháng sinh, Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc đến 90%. Niti Aayog, cố vấn cao cấp Chính phủ Ấn Độ, đề nghị cần có một cuộc họp cấp cao giữa chính phủ với các công ty dược phẩm hàng đầu ở Ấn Độ như Dr. Reddy, Lupin, Glenmark, Mylan, Zydus, Pfizer và Biocons… để thảo luận các phương án giảm phụ thuộc vào công nghiệp nguyên liệu dược Trung Quốc.
Trong bối cảnh công nghiệp dược Ấn Độ đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc hiện nay, Sudarshan – tổng thư ký Liên đoàn Dược phẩm Ấn Độ – cho biết: “Năm 1991, nguyên liệu dược Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% nguồn nguyên liệu dược nhập khẩu của Ấn Độ.
Nhưng do công nghiệp dược Ấn Độ chuyển hướng sang sản xuất thành phẩm, Ấn Độ bắt đầu mua nguyên liệu dược Trung Quốc với giá rẻ. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu dược Trung Quốc đã trở thành một vấn đề về an ninh y tế. Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban chuyên trách (taskforce) để nghiên cứu phục hồi nền sản xuất nguyên liệu dược của Ấn Độ”.■
Lỗ hổng an ninh quốc gia
Theo kênh ABC.net.au của Úc, Úc có kho dự trữ y tế quốc gia (NMS) chứa số lượng thiết bị y tế trị giá khoảng 100 triệu USD bao gồm 20 triệu cái khẩu trang, kháng sinh, văcxin và các vật tư cơ bản khác như dung dịch rửa tay… Kho dự trữ này nằm ở những vị trí bí mật, được bảo vệ cẩn mật về an ninh và sẵn sàng cung ứng cho người dân trong trường hợp có khủng bố sinh học, tình huống y tế khẩn cấp hoặc đại dịch. Trong dịch COVID-19, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Úc sử dụng một lượng vật tư lớn trong kho dự trữ này. Hơn 1,4 triệu khẩu trang đã được gửi đến các cán bộ y tế, cơ quan chính phủ, những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao khi tham gia phòng chống dịch bệnh ở tuyến đầu. Năm 2009, lần mở kho dự trữ y tế lớn nhất gần đây nhất, là để đối phó với dịch cúm gia cầm. Hạn chế của biện pháp này là nhiều loại thuốc, văcxin có thời hạn sử dụng. Để trữ đầy kho rồi sau đó lại vứt bỏ thuốc, thay lô hàng khác là một bài toán tài chính căng thẳng cho các nước khi xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống dịch bệnh hàng loạt. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, có thể sẽ đến lúc các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc (TQ) phải đối mặt với các quyết định về việc cấm xuất khẩu dược phẩm, thiết bị y tế và các dược liệu quan trọng khác để ưu tiên bảo vệ người dân trong nước. Điều này tùy vào tình hình cụ thể nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Chẳng hạn, trong dịch cúm năm 2009, dù đã có sẵn hợp đồng với một nhà sản xuất văcxin lớn ở một quốc gia khác, đơn hàng văcxin của Mỹ vẫn bị đẩy lùi ngày giao hàng. Giống như với nguyên liệu dược, phần còn lại của thế giới cũng phụ thuộc vào TQ về thiết bị y tế, từ máy chụp cộng hưởng từ MRI, áo khoác phẫu thuật, máy đo nồng độ oxy trong máu. Việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu này vẫn chưa bị gián đoạn nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng nếu TQ không còn hoặc không thể cung cấp chúng, một cuộc khủng hoảng nguồn cung thiết bị y tế lại bắt đầu. Chuyên gia các nước đều thuộc lòng nguyên tắc chống rủi ro là không bỏ trứng vào một giỏ và không lệ thuộc vào một nhà cung ứng, nhưng lựa chọn thay thế nào cho thế giới lại không nhiều như chúng ta tưởng. Dịch COVID-19 rất không may nhưng là một ví dụ hoàn hảo để cả thế giới sáng mắt về tình cảnh toàn cầu thiếu những phương án thay thế một khi nhà cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm là TQ bỗng nhiên đứng hình. Trên trang The Conversation, bốn chuyên gia của Viện quan hệ quốc tế Scowcroft của Trường đại học Chính phủ và dịch vụ công Bush Texas A&M nhận định: mất nhiều năm để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để tái lập năng lực sản xuất của Mỹ và với sự cấp phép đầy đủ của US FDA để không còn lệ thuộc vào nguồn cung từ TQ. COVID-19 đã chỉ ra sự phụ thuộc vào TQ của các nước, kể cả Mỹ, là một vấn đề an ninh quốc gia. Các chuyên gia nhắn nhủ với nhà chức trách Mỹ, nhưng các quốc gia khác cũng có thể ngẫm nghĩ: “Như với tất cả các đại dịch, sự phức tạp của đợt bùng phát COVID-19 đòi hỏi sự hợp tác và minh bạch quốc tế. Đồng thời, các chuyên gia y tế của Mỹ cần thừa nhận tính dễ tổn thương của đất nước chúng ta do phụ thuộc vào việc sản xuất thuốc men và thiết bị y tế với TQ. Mỹ phải xây dựng một kế hoạch đối phó với những tình huống thiếu hụt không thể tránh khỏi trong ngắn hạn và có những hành động cần thiết để nắm lại quyền kiểm soát chuỗi cung ứng y tế của chúng ta. Tiếp tục bỏ qua yếu điểm được biết đến từ lâu này sẽ chỉ dẫn đến thảm họa”. HỒNG VÂN |
- https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200314/cong-nghiep-duoc-lao-dao-vi-covid19/1553890.html