Theo các chuyên gia phân tích thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tình trạng nền kinh tế tồi tệ hơn so với dự đoán ban đầu, với mức suy giảm tính theo năm là 28,1%.

Ông Kiuchi Takahide, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, ước tính rằng phải mất 5 năm thì GDP của Nhật Bản mới trở lại được mức trước đại dịch. Ông nói rằng con đường quay trở lại mức đó sẽ đặc biệt khó khăn đối với ngành du lịch và nhà hàng, là những ngành bị ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút. Theo ông Kiuchi, các ngành này không thể mong bù đắp thiệt hại nhờ nhu cầu bùng nổ sau quá trình bị dồn nén, hiện tượng thường chỉ có lợi cho các ngành sản xuất ô tô hay đồ gia dụng.
Ông Kiuchi tin rằng một vấn đề còn nghiêm trọng hơn là sự trì trệ và sụt giảm về tiền lương. Số liệu GDP cho thấy tiền lương thực tế giảm 3,8% trong quý II năm nay, vượt qua mức giảm 2% của quý II năm 2009, năm mà nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Ông Kiuchi nói rằng tác động đối với thu nhập đã hiển hiện sớm hơn dự kiến. Ông lo rằng nó sẽ thúc đẩy một vòng xoáy tiêu cực, trong đó sụt giảm thu nhập sẽ dẫn tới giảm chi tiêu, khiến các điều kiện kinh doanh trở nên tồi tệ hơn, và do đó lại khiến tiền lương tiếp tục giảm sút.
Ông Kiuchi nói thêm rằng hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế có xu hướng trầm trọng hơn và kéo dài hơn so với dự tính. Ông nhắc lại rằng trong khoảng 1 thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản không thể nào trở lại quy mô trước năm 2008, và hiện nay lại đang giảm sút do dịch bệnh. Ông nói rằng sản xuất công nghiệp sẽ còn suy yếu trong một thời gian nữa vì tiêu dùng bắt đầu chậm lại do vi-rút tái bùng phát ở một số khu vực trên thế giới.
Ông Kobayashi Shunsuke, nhà kinh tế trưởng của công ty Mizuho Securities, nói rằng môi trường quốc tế cũng đang thay đổi. Trung Quốc hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác chủ yếu nhờ vào chính sách hỗ trợ của chính phủ giúp tăng sản lượng của doanh nghiệp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước không theo kịp được nhịp độ đó.
Ở Mỹ và châu Âu, các gói kích thích của chính phủ thúc đẩy được nhu cầu, nhưng lệnh phong toả nghiêm ngặt khiến các nhà sản xuất không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Theo ông Kobayashi, dữ liệu cho thấy dường như Trung Quốc tăng cường xuất khẩu tới các thị trường này để lấp các khoảng trống đó.
Ông mô tả tình trạng này là sự quay trở lại của tình trạng mất cân đối thương mại toàn cầu vốn đã tồn tại từ trước khi xảy ra đại dịch. Trung Quốc một lần nữa trở thành trung tâm sản xuất chính của thế giới. Không chỉ vậy, nước này còn nổi lên như kẻ chiến thắng trong môi trường giảm phát bắt nguồn từ sụt giảm thu nhập doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu và thị hiếu đối với các sản phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng. Điều này có thể sẽ làm leo thang hơn nữa đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Kobayashi nói rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải có phản ứng. Theo ông, chính phủ cần phải tạo ra môi trường để nền kinh tế có thể phát triển thịnh vượng ngay cả khi thế giới dịch chuyển sang một kiểu toàn cầu hoá mà trong đó tồn tại tình trạng phong tỏa và chia tách. Ông nói rằng trong tình thế như vậy, cơ chế thoả thuận thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do châu Âu sẽ rất quan trọng.
Ông Kobayashi cho rằng trong môi trường nội bộ của Nhật Bản, cộng đồng kinh doanh sẽ phải tìm cách thiết lập các kênh bán hàng cũng như cung ứng nhiều giá trị hơn. Ông nói rằng các doanh nghiệp nhận ra rằng mình đang ở trong một môi trường biến đổi cực kì linh hoạt và chỉ có doanh nghiệp nào có khả năng thích ứng nhanh chóng mới có thể tồn tại được.
Theo NHK