Nhìn vào Trung Quốc vực lại nền kinh tế sau giai đoạn chống dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn hai tháng ở Trung Quốc nay đã lan rộng khắp thế giới. Tổn thất về kinh tế là khó tránh khỏi, người dân Trung Quốc đang chật vật xoay xở để tự cứu lấy mình, nhất là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trung Quốc: Một mô hình kinh tế mới đang khai sinh?
Nhân viên bán hàng giao rau củ tận nhà ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Các SME ở nước đông dân nhất thế giới vừa trải qua một năm 2019 ảm đạm, nay dịch bệnh càng khiến tình hình hoạt động của họ thêm khó khăn. Năm 2020 có thể sẽ là năm khó khăn nhất trong một thập kỷ qua của họ.

Chật vật

Khi người dân bị hạn chế đi lại, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa dịch là các dịch vụ ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí, giáo dục… Tạm ngưng hoạt động là lựa chọn của nhiều thương hiệu, như quán lẩu Hai Di Lao, hay quán cà phê Starbucks tạm dừng hoạt động hơn 100 cửa tiệm trên toàn quốc.

Một số khác quyết định đóng cửa, như Công ty du lịch Bách Trình (Bắc Kinh) thành lập năm 2000, chuyên tổ chức du lịch nước ngoài đã quyết định đóng cửa vì không đủ vốn duy trì hoạt động; Công ty “vua karaoke” tuyên bố chấm dứt hợp đồng với tất cả 200 nhân viên, nếu 30% nhân viên không đồng ý, công ty sẽ tuyên bố phá sản.

Đầu tháng 2, cơ sở đào tạo IT nổi tiếng “Chuỗi giáo dục Huynh Đệ” thành lập từ năm 2006 thông báo đóng cửa vì nguồn vốn lưu động không đủ để duy trì hoạt động, người sáng lập đang ôm món nợ hàng chục triệu tệ. Hệ thống nhà hàng Túy Ông Đình Thâm Quyến hoạt động trên 20 năm đã thông báo chuyển nhượng vào cuối tháng 2 vì nguồn vốn đứt gãy, nhưng đến đầu tháng 3 thì tuyên bố ngưng hoạt động.

Những thương hiệu lớn còn phải dừng hoạt động, các doanh nghiệp (DN) nhỏ sẽ càng khó khăn hơn nhiều. Hai tháng đầu năm 2020, đã có 13.000 DN ngành dịch vụ ăn uống giải thể, chưa kể các hộ cá thể, hệ thống nhà hàng…, theo China.com.

Theo một báo cáo của Học viện Thương mại Trường Giang, DN trong mùa dịch COVID-19 chịu nhiều áp lực về thị trường, vốn và nhân công. Một ví dụ: Công ty Làng Mì trước và sau tết doanh thu từ 800 triệu tệ giảm còn zero. Trong khi theo quy định, thời gian ngừng hoạt động, công ty vẫn phải trả lương. Với 20.000 nhân viên, chi phí tiền lương 156 triệu tệ/tháng.

Cho dù ngân hàng cho vay không lãi suất để trả lương, thì công ty cũng chỉ duy trì được tối đa ba tháng. Mà họ vẫn có ưu thế vì là công ty lớn, hiệu quả kinh doanh tốt, chỉ cần dịch bệnh kết thúc là có khả năng chi trả, inewsweek.cn.

Cuối tháng 1, Bộ Văn hóa du lịch Trung Quốc ra thông báo yêu cầu các công ty du lịch tạm dừng tổ chức đoàn cũng như bán các dịch vụ vé máy bay, khách sạn…, các điểm tham quan đóng cửa, nhiều nước tạm dừng chuyến bay đến Trung Quốc, kế hoạch du lịch mùa tết của 450 triệu lượt khách tan thành mây khói, các công ty du lịch đều dừng hoạt động. Một số công ty du lịch nhỏ cho rằng năm 2020 có thể sống sót đã là thắng lợi lớn.

Nhưng các tập đoàn lớn vẫn khá lạc quan. Như Tập đoàn du lịch văn hóa Bút Khắc cho rằng về lâu dài, du lịch vẫn là ngành có nhiều cơ hội phát triển. Tăng trưởng du lịch sẽ ngày càng cao, không chỉ tập trung các điểm tham quan du lịch, mà kéo theo sự phát triển của giao thông, ăn uống, lưu trú và các dịch vụ liên quan khác.

Dịch bệnh là một đón giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh kiểu truyền thống, nhưng đồng thời mở ra những hướng đi mới. Nếu du lịch chỉ nhờ vào bán vé nhất định sẽ khó khăn. Du lịch, bởi thế, có thể kết hợp với các ngành chăm sóc sức khỏe, thể thao, công nghệ… Nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 4, đến mùa hè, thị trường dự kiến bùng nổ sau thời gian dài dân chúng bị bó chân trong nhà.

Tập đoàn du lịch Khải Tát cho rằng nguy cơ cũng là cơ hội. Như thời dịch SARS năm 2003, tập đoàn đã tổ chức cơ cấu lại, tích cực đào tạo hướng dẫn viên, khi dịch kết thúc, người dân như được cởi trói, muốn thỏa mãn nhu cầu, ngành du lịch được hồi sinh. Mùa thu năm 2003, doanh thu tăng trưởng chóng mặt.

Các công ty du lịch nhỏ thì quay sang… bán hàng online, bán rau, khẩu trang, chất tẩy rửa diệt khuẩn… Gần đây người trong ngành du lịch chia sẻ bài viết “Ba tháng sắp tới xin hãy đối xử tốt với những người làm du lịch đi bán hàng trực tuyến”.

Trong đó có đoạn: “Kính gửi quý khách hàng, chúng tôi không bỏ nghề, cũng không phải làm việc đâu đâu. Chúng tôi vẫn đang cố gắng, phấn đấu và cống hiến hết tuổi xuân cho ngành du lịch mà chúng tôi yêu thích. Đợi dịch bệnh kết thúc, đợi khi mùa xuân ấm áp trăm hoa đua nở, đợi tất cả đều bình yên, chúng tôi sẽ quay về với ngành du lịch, dẫn bạn đi tham quan hết cảnh đẹp trên thế gian”.

Cùng tắc biến

Câu chuyện đối phó dịch bệnh của chủ DN không chỉ là rửa tay, giữ gìn vệ sinh, hay khai báo y tế như người thường, bởi sau lưng họ còn là nhân viên, trước mặt họ còn là khách hàng và cả trách nhiệm xã hội.

Giám đốc một tập đoàn ẩm thực với hàng ngàn nhà hàng, hàng vạn nhân viên nói với tạp chí Kinh Tài rằng 10 ngày bùng phát dịch bệnh, doanh thu của tập đoàn giảm đến 80-90%, số tiền hủy tiệc lên đến 20 triệu tệ.

Ngay từ đầu, hệ thống nhà hàng của anh đã thông qua chính quyền kết nối với các bệnh viện được chỉ định chữa trị COVID-19, cung cấp bữa ăn miễn phí cho y bác sĩ, cho cả nhân viên khu phố, nhân viên vệ sinh, cảnh sát… của những vùng dịch.

Chính quyền liền đặc cách cho công ty kinh doanh trong thời dịch. Khi giao hàng, nhân viên giao hàng đều rất sợ. Lúc đầu họ không có đồ bảo hộ, chỉ mặc chiếc áo mưa để đi giao hàng. Sau này mới được chính quyền hỗ trợ đồ bảo hộ.

Công ty cho nhân viên đi làm hưởng lương 300%, phát lì xì hơn 2,2 triệu tệ, rồi bắt đầu mở cửa bán thực phẩm giá bình ổn cho người dân ở những khu không có dịch, doanh số từ mấy trăm tăng lên hàng chục ngàn tệ/ngày, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

Các hình thức gọi món giao hàng, hợp tác với các đơn vị bán lẻ khác sử dụng mô hình nhà bếp trung ương chung nhân viên… cũng được thực hiện triệt để, đến nay số lượng hàng thực phẩm tươi sống đóng gói đã tăng lên hơn 100.000 phần/ngày. Những người trước đây từng được công ty tặng suất ăn miễn phí giờ cũng quay sang đặt hàng. Nhà nước Trung Quốc, thông qua các ngân hàng, cũng đảm bảo phần nào nguồn vốn cho những DN như vậy.

Nhiều người hỏi qua trận dịch này anh học được gì, vị giám đốc đáp: “Khi ông trời đóng một cánh cửa lại, chúng ta phải tự tìm cho mình một con đường mới”.

Theo báo cáo xu hướng hiện trạng phát triển ngành dịch vụ ăn uống Trung Quốc của Hiệp hội khách sạn Trung Quốc công bố ngày 2-3, dịch bệnh COVID-19 gây tổn thất nặng nề hơn so với dịch SARS năm 2003. Điều tra được tiến hành với 309 nhà hàng cho thấy đa số nói doanh thu giảm trên 40%.

Báo cáo cũng chỉ rõ, sau khi dịch bệnh kết thúc, ngành dịch vụ ăn uống sẽ bùng nổ, những DN có nguồn vốn dồi dào, hệ thống cung ứng hoàn thiện, thương hiệu mạnh sẽ có cơ hội phát triển. Kinh tế số cũng sẽ có cơ hội thâm nhập chưa từng thấy.

Nhiều nhà hàng đã chuyển hướng tập trung cho bán hàng mang về hay trực tuyến. Sau khi nghỉ hơn 20 ngày vì dịch bệnh, ngày 5-3, nhà hàng Hai Di Lao thông báo từng bước khôi phục dịch vụ giao hàng. Nhưng do đơn hàng quá nhiều, giờ khách phải đặt trước hai ngày. Hai Di Lao còn cung cấp cả thực phẩm chế biến sẵn bán trên các kênh mua sắm trực tuyến.

Tập đoàn bách hóa Ngân Thái do dịch bệnh mà nghỉ tết thời gian dài, nhưng dịch vụ bán hàng trên taobao.com trở thành điều cứu vớt họ. Nhân viên có thể bán hàng bất cứ lúc nào, số lượng khách theo dõi trong ba giờ livestream của một nhân viên bán hàng bằng lượng khách hàng sáu tháng; một nhân viên bán hàng khác có doanh thu một lần livestream bằng một tuần bán hàng ở cửa hàng, theo Tân Kinh Báo. Khi dịch bệnh chưa kết thúc, bán hàng qua mạng trở thành điểm mới trong chiến lược kinh doanh của nhiều công ty. Họ đã thu hút 90% lượng khách hàng mới đến mua sắm qua mạng.

Không chỉ DN, nông dân giờ cũng livestream bán hàng trên mạng. Tân Hoa xã đưa tin, ngày 
22-2, ông Tưởng Mục Thần – trưởng khu Khai Châu thành phố Trùng Khánh – mở livestream bán hàng trên kênh mua sắm pingduoduo.com, chỉ một buổi mà bán được hơn 50.000kg cam cho bà con, đem về doanh thu hơn 300.000 tệ. Nông dân trong vùng cho biết trước đây họ thường mất khoảng một tháng để bán hết số cam đó.

Theo báo Kinh Doanh Trung Quốc, ngay cả ngành du lịch cũng bán hàng trực tuyến. Hưởng ứng đề xướng cung cấp dịch vụ sản phẩm văn hóa chất lượng cao cho người dân trong những ngày không được ra ngoài, cung điện Potala ở Tây Tạng mới đây đã livestream một giờ trên taobao.com, cư dân mạng thích thú theo chân hai hướng dẫn viên đi tham quan cung điện, với 920.000 lượt theo dõi, 880.000 lượt like.

Nay cung điện đang chuẩn bị chương trình livestream tiếp theo. Dự báo, trong tương lai trải nghiệm du lịch qua mạng sẽ trở thành một nhân tố hỗ trợ cho du lịch phát triển. Giống như du lịch, một số ngành nghề trước đây ít sử dụng mô hình bán hàng trực tuyến nay cũng tham gia. Livestream bán hàng trên taobao.com tăng hơn 100 ngành nghề.

Tân Hoa xã nhận định hiện livestream bán hàng đã trở thành phương thức mới để mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc, khi dịch bệnh cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người.■

Nhà hàng lưu động

Khi người dân không thể đi nhà hàng ăn uống như xưa, các nhà hàng ở Phúc Kiến có sáng kiến đưa xe bán thức ăn lưu động đến trước cổng các khu dân cư. 12h trưa, trước cổng khu dân cư Nhã Tùng ở Phủ Điền có hai chiếc xe bán thức ăn lưu động đậu sẵn, rất nhiều người dân đến lấy đồ ăn. Quầy đồ ăn trên xe có trên 20 món chế biến sẵn, còn một xe khác thì đầu bếp đang chế biến các món chính. Xe bán hàng được di chuyển đến các khu phố, tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp…

Họ lập nhóm WeChat công bố menu trước một ngày, người dân chọn món và tự đến lấy. Chính quyền cũng hỗ trợ. Dự kiến, thành phố sẽ đầu tư thêm 100 xe bán tải đi về các địa bàn khác nhau trong các chương trình “Trăm món nổi tiếng xuống khu phố” và “Trăm đầu bếp nổi tiếng đồng hành cùng Phổ Điền”.

Các kênh mua sắm trực tuyến thắng lớn

Khách hàng các kênh mua sắm trực tuyến thực phẩm tươi của Trung Quốc năm 2019 chưa đến 8 triệu tài khoản, trong tết đã tăng lên 10 triệu và sau tết vượt mốc 12 triệu, tương đương mức tăng 50% chỉ trong hai tháng. Khách hàng các kênh này bình quân tăng 60%/ngày. Từ ngày 26-1 đến 8-2, lượng tiêu thụ mì, gạo, rau củ quả tăng chóng mặt.

Trong đó, mặt hàng mì, gạo, gia vị, rau quả có lượng tiêu thụ tăng 400% trên các kênh trực tuyến. Nhà quan sát ngành thương mại điện tử Lỗ Chấn Vượng trả lời phỏng vấn Trùng Khánh Thương Báo cho rằng trong tương lai, quy mô thương mại điện tử ngành thực phẩm tươi sống sẽ tăng trưởng mạnh. Dịch bệnh cũng đẩy nhanh tốc độ đào thải các kênh mua sắm, cuộc so kè giữa các kênh mua sắm – chủ yếu về quy mô và chất lượng chuỗi cung ứng – sẽ sớm ngã ngũ hơn nhiều.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200317/trung-quoc-mot-mo-hinh-kinh-te-moi-dang-khai-sinh/1554270.html

About TCKD