Triển vọng Ngành Thực phẩm & Đồ uống năm 2022: Việc mở cửa trở lại thúc đẩy tiêu dùng

Diễn biến ngành trong năm 2021: KÉM KHẢ QUAN

Ngành Thực phẩm đồ uống (F&B) tăng trưởng thấp hơn VNIndex trong 2021. Tổng vốn hóa thị trường ngành chỉ tăng 12%, trong khi VNIndex tăng 34% trong 2021 (tại ngày 24/12/2021). MSN là cổ phiếu có tăng trưởng tốt nhất ngành với 94%, trong khi VNM và SAB tăng trưởng kém nhất ngành, tương ứng giảm -18% và -24%.

Cổ phiếu MSN, MCH và MML đạt tăng trưởng ấn tượng 94%, 27% và 64%, nhờ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mạnh mẽ. Các sản phẩm của công ty đều là hàng thiết yếu và được tiêu thụ mạnh trong đại dịch. Do MSN sở hữu chuỗi kênh thương mại hiện đại lớn nhất, nên mảng tiêu dùng được hưởng lợi nhờ tăng cường bán hàng vào kênh này, đặc biệt trong thời kì chợ truyền thống phải đóng cửa. Nhóm VNM (bao gồm công ty con GTN và MCM) tăng trưởng kém tích cực do doanh thu và lợi nhuận chịu tác động kép từ tiêu thụ sữa yếu và giá nguyên liệu sữa tăng mạnh. Nhóm KDC (bao gồm VOC và TAC) tăng tốt với mức tăng lần lượt là 64%, 65% và 62% năm qua. Nhu cầu dầu ăn duy trì tốt mặc dù biên lợi nhuận chịu ảnh hưởng từ giá dầu cọ tăng. Nhóm cổ phiếu mía đường tăng trưởng tốt: SLS (+119%); LSS (109%); và QNS (+30%). Kết quả này là nhờ giá đường thế giới tăng cao kể từ đầu 2021 cũng như các chính sách bảo vệ ngành đường trong nước (thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường Thái Lan). Các công ty Bia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, do giãn cách xã hội nghiêm ngặt dẫn đến không có doanh thu kênh tiêu thụ trực tiếp (on-premise) (chiếm 50% doanh thu Bia trước Covid).

Những điểm chính của ngành trong năm 2021

Tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2021 so với 2020 do biến thể Delta: Biến thể Delta khiến Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên nhiều tỉnh thành trong Q3. Doanh số bán lẻ của Việt Nam trong Q3 giảm -30,7% so với cùng kỳ, đây là mức giảm chưa bao giờ có kể cả trong thời gian giãn cách xã hội toàn quốc trong tháng 4/2020.

Tiêu thụ hàng thực phẩm đồ uống: Nhu cầu vẫn tăng đối với một số sản phẩm như thực phẩm ăn liền, gia vị, dầu ăn và đường, trong khi sữa và bia giảm. 

Theo Nielsen, tiêu thụ hàng FMCG giảm -6,1% trong 9T2021, giảm mạnh trong Q3 (-19,3%). Trong số các sản phẩm FMCG, thực phẩm là mảng duy nhất tăng trưởng. Nhu cầu thực phẩm đóng gói, bao gồm thực phẩm ăn liền, gia vị, dầu ăn vẫn tăng mạnh trong thời gian qua. Người tiêu dùng tích trữ các sản phẩm này trong tất cả các đợt giãn cách xã hội. MCH, TAC và VOC nhờ đó đạt tăng trưởng tốt, với tăng trưởng doanh thu 9T2021 khả quan. MML cũng đạt doanh thu thịt mát (thịt heo và gà) tăng 103% so với cùng kỳ trong kỳ do mức so sánh thấp trong 9T2020, và thâm nhập thị trường nhờ chuỗi Wincommerce. Trái lại, nhu cầu đồ uống, bia và sản phẩm sữa giảm mạnh do các sản phẩm này không được coi là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, đặc biệt đối với đối tượng thu nhập thấp.

SAB và VNM chưa thể hồi phục như ước tính của chúng tôi vào đầu năm 2021, do: (1) đại dịch bùng phát và giãn cách xã hội khiến không có doanh thu kênh on-premise của bia và nhiều sản phẩm đồ uống khác; và (2) tiêu thụ của người tiêu dùng thu nhập thấp giảm.

Do các biện pháp giãn cách xã hội hạn chế tụ tập đông người ảnh hưởng đến kênh on-premise, năm 2021 trở thành năm khó khăn nhất đối với ngành Bia trong những năm qua. Kênh off-premise (uống tại nhà) cũng không thể thành công do bia được coi là mặt hàng không thiết yếu. Do đó, giãn cách xã hội kéo dài khiến việc phân phối hạn chế trong suốt Q3/2021. Nhìn chung, tổng sản lượng tiêu thụ bia năm 2021 đạt 4 tỷ lít, giảm -7% YoY.

Chỉ số giá lương thực FAO tăng lên mức cao nhất thập kỷ. 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực (global food price index) tăng 23,8% so với mức cuối năm 2020, đạt 134,4 điểm trong tháng 11/2021 – mức cao nhất kể từ tháng 7/2011. Trong 11T2021, chỉ số duy trì ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 124,9 điểm (tăng 27,3% YoY). Tất cả các mặt hàng chính đều tăng mạnh, từ dầu ăn đến ngũ cốc, đường và sữa. Điều này có thể do gián đoạn nguồn cung, bao gồm thiếu lao động do chính sách kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia và thời tiết bất thường (Brazil và Mỹ). Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn logistics và giá phân bón và các loại hóa chất nông nghiệp khác tăng tạo áp lực lên giá lương thực. Nhu cầu thực phẩm đã hồi phục mạnh tại các quốc gia sau giãn cách xã hội như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Tải báo cáo tại ĐÂY

Trần Huyền Trang, SSI

About TCKD