Tài chính kinh doanh: Bất chấp tác động của đại dịch tới số liệu kinh tế vĩ mô Q3/2021 và tình hình kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp niêm yết, VN Index vẫn nhận được lực đỡ của dòng tiền lớn trong tháng 8, đặc biệt quanh vùng hỗ trợ 1.290 – 1.300 điểm trước khi kết thúc tháng tại mức 1.331,47 điểm (+1,64%). Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trở thành tâm điểm giao dịch khi VN Midcap và VN Smallcap Index tăng vượt trội so với thị trường chung, tương ứng là +5,7% và +16,5%.
Tháng 9 đã gõ cửa và mang theo kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin tại Việt Nam, bên cạnh câu chuyện dần mở cửa trở lại hoạt động kinh tế tại các khu vực được đánh giá là “vùng xanh”. Mặc dù vậy, khi số ca nhiễm vẫn đang duy trì ở mức cao và thị trường vẫn cần thêm các phiên giao dịch để xác nhận xu hướng, chúng tôi cho rằng VN Index có thể vận động theo 2 kịch bản. Cụ thể, với kịch bản khả quan, VN Index cần chinh phục thành công kháng cự 1.350 điểm để xác nhận nhịp hiệu chỉnh kết thúc trước khi hướng về vùng mục tiêu 1.380 điểm. Trong khi đó, với kịch bản thận trọng, VN Index sẽ quay lại với nhịp hiệu chỉnh trước khi tìm điểm cân bằng tại khu vực 1.285 – 1.300 điểm.
Tháng 8 kết thúc với mức sinh lời ấn tượng dành cho danh mục khuyến nghị của SSI Research (+14,5%) đi cùng với nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng trên 30% như NKG hay SGP. Đối với tháng 9, chúng tôi duy trì các cổ phiếu thuộc nhóm Logistics trong danh mục với 2 cái tên quen thuộc là HAH và GMD. Thêm vào đó, sau khoảng thời gian ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, dòng tiền lớn có thể quay trở lại đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt với các cổ phiếu có nền tích lũy đẹp trên đồ thị kỹ thuật. Do đó, chúng tôi bổ sung các đại diện của nhóm VN30 bao gồm TCB, TPB và HPG. Danh mục khuyến nghị dành cho tháng này có tổng cộng 9 cổ phiếu.
Hoàng Việt Phương (Ms.)
Giám đốc Trung Tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI