Kinh tế nhiều nơi lao đao vì COVID-19, nhưng có một nền kinh tế khác lại đang hoạt động cực kỳ sôi động cũng vì bệnh dịch. Đó là thị trường tiêu dùng chuyên phục vụ những người không dám ra đường nhưng muốn gì cũng có.
Ảnh: theoutline.com |
“Nền kinh tế cho người ưa ở nhà (homebody economy) đang ngày càng mạnh mẽ giữa thời dịch”, trang tiếng Anh của Tân Hoa xã giật tít hồi giữa tháng 2.
Bài báo của hãng thông tấn Trung Quốc dẫn ví dụ một giáo viên 22 năm trong nghề lần đầu tiên biết thế nào là dạy học trực tuyến – ở nhà vẫn có thể lên lớp, một người họ Trương cứ sáng sớm lại bật smartphone để đặt mua thực phẩm tươi dùng trong ngày, và một chàng Trương khác cũng ngồi nhà khám bệnh qua một kênh liên lạc trực tuyến với bác sĩ.
Đó là những thành phần của một mô hình kinh tế mới mà người tiêu dùng và người thụ hưởng dịch vụ có thứ mình cần mà không phải bước nửa bước ra khỏi nhà (trừ việc ra gặp người giao hàng đến tận cửa). Trong thời mọi thứ có thể đặt qua app hay trên Internet, chuyện này không có gì lạ, mà điều đáng chú ý là “kinh tế nằm nhà” ngày càng có nhiều người tham gia hơn, cả già lẫn trẻ, do lẽ ai cũng hạn chế ra đường trong thời COVID-19, ở Trung Quốc cũng như các nước đã ghi nhận ca nhiễm.
Cụm từ homebody economy được cho là do Kaitlyn Tiffany của tờ Vox đặt ra trong một bài viết hồi tháng 9-2018, dùng để mô tả thị trường tiêu dùng cho “những người Mỹ trẻ tuổi thích đóng đô trong nhà và chả thiết gì đời sống tiệc tùng về đêm”. Đối tượng tiêu dùng đặc biệt này sẽ ở nhà tận hưởng dịch vụ xem video trực tuyến (streaming) và các tiện ích của kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Tiffany mô tả có phần mỉa mai những người nhiệt thành đón nhận nền kinh tế nằm nhà là “những người sẽ không lái xe đi mua đồ khi trời quá nóng, cũng chẳng chịu ra khỏi cửa khi thời tiết lạnh, tóm lại là chả muốn ra ngoài”. Tuy nhiên, đối tượng của nền kinh tế này ở Trung Quốc và các nơi khác trong thời corona có lý do khá chính đáng: dịch bệnh biết đâu chẳng chừa mình ra, thôi cứ ở trong nhà cho lành.
Bệnh dịch có thể làm “kinh tế nằm nhà” trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng nó cũng là một thách thức cần thiết để làm bộc lộ những kẽ hở và thiếu sót của mô hình này. Khi người tiêu dùng ngày càng muốn ở trong nhà mua sắm và tận hưởng mọi dịch vụ, ai sẽ là người phục vụ họ đây? Điều này đặc biệt đúng với người giao hàng, bây giờ quen gọi là shipper.
Khách hàng không muốn ra khỏi nhà, nhưng shipper dù phải mưu sinh nhưng cũng sợ nhiễm bệnh chứ. Bạn có để ý vì sao anh họ Trương trong câu chuyện của Tân Hoa xã lại dậy sớm để đặt thực phẩm? Vì lượng khách hàng tăng vọt mà nhân lực của các dịch vụ có hạn, nên nhiều app đã đặt “quota” số đơn hàng mỗi ngày. Dậy trễ một chút là không còn suất. Dẫu sao cài đồng hồ dậy sớm nhưng vẫn được nằm nhà, vẫn còn đỡ hơn lao ra đường xếp hàng hay “đặt cục gạch” trước quầy mậu dịch.
Dịch bệnh cũng làm nóng lại một vấn đề khác về kinh tế chia sẻ vốn cũng đã được tranh luận nhiều trước đó: shipper là “đối tác” hay người lao động của các app giao hàng qua mạng và thương mại điện tử? Nếu là đối tác, họ sẽ phải tự chịu mọi rủi ro; còn nếu là người lao động, các công ty vận hành các app sẽ bảo đảm quyền lợi cho họ thế nào?
Dịch bệnh ập vào một mô hình vốn đang có những tồn tại chưa giải quyết được như chuyện ai sẽ bảo vệ người lao động, kết quả sẽ là gì? Tạp chí The Atlantic có câu trả lời u tối: Người giàu sẽ an trú trong nhà, trong khi người nghèo vẫn bươn chải ngoài đường, chấp nhận rủi ro để kiếm sống qua ngày.■