Thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 22/05/2023 – 26/05/2023

Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 22/05/2023 – 26/05/2023

Thị trường tiền tệ

Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng. Cụ thể, NHNN chỉ phát hành mới 578 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn, ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5.0% nhằm tài trợ cho khoản đáo hạn trên kênh này (753 tỷ đồng). Điểm nhấn trong tuần tiếp tục đến từ khối lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày đáo hạn (tổng giá trị là 49 nghìn tỷ đồng) và nhờ vậy, NHNN đã bơm ròng 48.4 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 41,7 nghìn tỷ đồng và trên kênh cầm cố giảm mạnh xuống chỉ còn 1,4 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp (4,0 – 4,5% cho kỳ hạn qua đêm và 4,3 – 5,0% trong khi đó ổn định ở các kỳ hạn dưới 1 tháng). Trong tuần này, khối lượng tín phiếu đáo hạn ước tính là 24,8 nghìn tỷ đồng và tiếp tục là yếu tố giúp hỗ trợ thanh khoản.

NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hay lãi suất trên kênh OMO. Như vậy, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về mức trước Covid (năm 2019) hay thậm chí thấp hơn mức đó, cho thấy động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cũng như là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng trước Covid. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở cả nhóm NHTMCP Nhà nước và tư nhân cho kỳ hạn dưới 6 tháng và 20-50 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 6 tháng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng này cho kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện niêm yết ở mức 6,8% cho nhóm NHTMCPNN, 7,2-7,5% cho nhóm NHTMCP lớn và 7,8 – 8,8% cho nhóm NHTMCP còn lại.      

Thị trường ngoại hối

Tỷ giá USDVND tăng nhẹ 

Các thông tin kinh tế trong tuần qua đều cho thấy kinh tế nước Mỹ vẫn cho thấy tăng trưởng ổn định và lạm phát vẫn ở mức cao. Trong đó, GDP Quý 1 ghi nhận mức tăng 1,3% so với Quý 4 (đã chuẩn hóa về năm) theo báo cáo sơ bộ lần 2, tích cực hơn mức tăng 1,1% từ báo cáo sơ bộ lần đầu. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 20/05 ở mức 229 nghìn đơn, chỉ tăng nhẹ từ 225 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn khá nhiều so với mức 249 nghìn đơn theo dự báo. Về tiêu dùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được điều chỉnh lên mức 59,2 điểm trong tháng 5, cao hơn so với mức 57,7 điểm theo kết quả sơ bộ, Ngược lại, chỉ số lạm phát PCE cơ bản vẫn ghi nhận mức tăng 4,7% so với cùng kỳ – cao hơn dự báo và cho thấy việc hạ nhiệt áp lực lạm phát vẫn là vấn đề khá khó khăn. Nhìn chung, các thông tin trên đều cho thấy xu hướng chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới vẫn chưa rõ rang và khiến thị trường điều chỉnh dự báo về lãi suất mục tiêu của Fed. Công cụ dự báo của CME trong cuộc họp tháng 6 cho thấy có 66% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản (từ mức 25% vào 1 tuần trước đó). Thậm chí, xác suất thị trường đánh giá Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 hiện đang là 23% (tăng từ mức 4%). Nhờ vậy, đồng USD đã có một tuần tăng giá khá mạnh (DXY tăng 1%) trong khi những đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như JPY -1,9%, GBP -0,8%, EUR -0,7% hay CNY -0,7%/

Trên thị trường trong nước, tỷ giá niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do tăng giá nhẹ, hiện đang dao động quanh mức VND 23,500/USD trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ lên mức VD 23.480/USD. Nhìn chung, xu hướng của VND trong tháng 5 trái ngược với xu hướng quốc tế (VND hầu như chỉ đi ngang trong khi DXY đã tăng tới 2,5% trong tháng nhờ nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong khi nhu cầu ngoại tệ đang ở trạng thái khá yếu (nhập khẩu giảm 17,9% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm).

Thị trường trái phiếu chính phủ

Lợi suất TPCP tăng mạnh ở thị trường thứ cấp

Tuần trước, KBNN giảm tổng đăng ký gọi thầu xuống chỉ còn 5,0 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm. Tỷ lệ trúng thầu TPCP ở mức cao, đạt 96% trong đó kỳ hạn 5, 10 và 15 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu và lợi suất trúng thầu không thay đổi. Ở kỳ hạn 20 năm, KBNN gọi thầu với khối lượng thăm dò (500 tỷ đồng) và có 62% khối lượng trúng thầu, với lợi suất trúng thầu giảm tới 56 điểm cơ bản so với phiên trước đó (vào tháng 3). Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã huy động thành công 162,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 40,6% kế hoạch năm. Với kế hoạch phát hành Quý 2 mới được công bố, KBNN đã hoàn thành 48% kế hoạch, trong đó kỳ hạn 5 năm phát hành được 108% kế hoạch Quý. Với việc giải ngân đầu tư công vẫn còn khá chậm (ước tính chỉ vào khoảng 20% kế hoạch Thủ tướng trong 5 tháng đầu năm), KBNN hiện đang khá thận trong trong việc phát hành TPCP kkhi nguồn tiền nhàn rỗi của KBNN tại hệ thống ngân hàng đã lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng.  

Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở kỳ hạn 5-15 năm. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (2,47%, +1 bps), 3 năm (2,49%; +2 bps); 5 năm (2,52%, +8 bps); 10 năm (3,17%, +16 bps); 15Y (3,29%, +17 bps); 20Y (3,52%, 0 bps) và 30Y (3,61%, 0 bps). Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7,4 nghìn tỷ đồng (+15,9%). Khối ngoại giao dịch khá sôi động, và thu hẹp khối lượng bán ròng xuống chỉ còn 10 tỷ đồng.

Bản báo cáo đầy đủ tại đây: Đây

2023.05.26-bantin-tttt

Theo SSI Research

About Admin Uptrend