Theo nhận định của các chuyên gia, vị thế của TTCK Việt Nam đã lên một tầm cao mới do đã vượt đỉnh lịch sử và liên tiếp tạo các đỉnh cao hơn cùng với thanh khoản bùng nổ. Chỉ số VN-Index vì vậy cũng đã bước vào giai đoạn vận động theo hướng tích cực trong dài hạn.
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà – Chuyên viên phân tích cao cấp CTCK SSI đánh giá thị trường chứng khoán khả năng biến động mạnh ở cả 2 chiều tăng và giảm trong quý 2. Cụ thể, VN-Index sẽ duy trì quán tính tích cực trong tháng 4 khi đây là tháng cao điểm thị trường hấp thụ các tin tức rất lạc quan về vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp ở quý 1. Tuy nhiên, hiệu ứng ‘’Sell in May’’ ở tháng 5, cùng với đó tháng 6 là tháng bản lề mặt bằng lãi suất nhích tăng trở lại có thể gây rủi ro các nhịp biến động giảm ngắn hạn.
Dù vậy, vị thế của TTCK Việt Nam đã lên một tầm cao mới do đã vượt đỉnh lịch sử và liên tiếp tạo các đỉnh cao hơn cùng với thanh khoản bùng nổ. Chỉ số VN-Index nhờ đó cũng đã bước vào giai đoạn vận động theo hướng tích cực trong dài hạn.
Bà Ngà đánh giá hầu hết các thông tin phát đi từ mùa báo cáo quý 1 và ĐHĐCĐ thường niên năm nay rất tích cực. Các tác động tức thời có thể kể đến là làm tăng tâm lý lạc quan của lớp nhà đầu tư mới trên TTCK và dĩ nhiên cũng không loại trừ quan điểm mùa báo cáo quý 1 này là thời điểm thuận lợi để gia tăng hoạt động chốt lời ở lớp nhà đầu tư kỳ cựu.
Về dài hạn, ở quy mô thị trường hay cổ phiếu thì lợi nhuận tăng trưởng cao tất nhiên định giá sẽ càng hấp dẫn.
Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset nhận định VN-Index sau khi thành công chinh phục mức đỉnh lịch sử 1,200 điểm. Với sự tích cực đang tiếp diễn, khả năng chỉ số sẽ còn tiếp tục chinh phục đỉnh mới.
Về mặt định giá, ông Minh đánh giá thị trường Việt Nam đang tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 18.5 lần, cao hơn 29% so với mức trung bình 10 năm qua. Xu hướng nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đã khiến cho nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới tăng giá trong năm 2020. Hiện tại, định giá theo P/E của nhiều thị trường đã vượt khỏi vùng định giá lịch sử. Do đó, Việt Nam đang được định giá hợp lý hơn các thị trường khác nếu so sánh theo P/E lịch sử.
Nền kinh tế thế giới nói chung đang bước vào giai đoạn phục hồi với phát minh vắc xin chống Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, vị chuyên gia của Mirae Asset dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2021. Kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Theo ông Minh, VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 1,400 nhờ vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Dòng tiền sẽ vận động thế nào trong quý 2?
Theo ông Minh nhận xét, quý 1/2021 ghi nhận sự lên ngôi của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng khối ngoại đang dần trở lại và xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể duy trì ở lại trong quý 2/2020. Thông tin đáng chú ý nhất là việc quỹ Fubon ETF Vietnam đã huy động ròng được hơn 4,200 tỷ đồng trong đợt phát hành lần đầu (IPO) vào đầu tháng 4/2021 vừa qua. Việc huy động ròng từ quỹ này sẽ đóng góp tích cực, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Quy mô kỳ vọng của Fubon ETF có thể lên đến hơn 8,000 tỷ đồng trong những tháng tới.
Với sự tích cực từ FDI, ông Minh kỳ vọng nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp có thể trở thành điểm sáng cho năm 2021. Nhóm ngành vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng tăng giá. Một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành dệt may có triển vọng xuất khẩu (hoặc đóng góp cho xuất khẩu).
Xét tới yếu tố dòng tiền, bà Ngà đánh giá dòng tiền tổng thể trên TTCK Việt Nam vẫn tích cực trong quý 2. So với các thị trường khác trong khu vực, Việt Nam có đồng nội tệ tương đối ổn định, dịch bệnh kiểm soát tốt và tăng trưởng kinh tế vượt trội nên vẫn sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại. Sau số liệu vĩ mô quý 1 được công bố, các quỹ ETF đã có dòng tiền vào trở lại khá tốt trong tuần đầu tháng 4.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp dự kiến tiếp tục được duy trì trong quý 2 để hỗ trợ nền kinh tế qua đó tiếp tục tạo lợi thế cho TTCK thu hút dòng vốn nội, dòng vốn đóng vai trò quyết định trên thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Ngoài ra, quý 2/2020 là điểm rơi về lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, vì vậy nhiều ngành và doanh nghiệp dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần quan sát các nhịp biến động của thị trường để lựa chọn điểm mua phù hợp.
Nguồn:vietstock.vn