Theo Reuters, Công ty kho bãi lớn nhất châu Á – GLP – đang có kế hoạch ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Đây sẽ là kho hàng đầu tiên của GLP ở Đông Nam Á.
GLP được đăng ký kinh doanh tại Singapore, quản lý 64 triệu m2 bất động sản hậu cần trải dài trên 16 quốc gia từ Nhật Bản – Brazil – Ba Lan… Các công ty không tiết lộ thời điểm triển khai liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, nhưng sẽ kéo dài trong ba năm.
GLP đầu tư vào Việt Nam:
GLP nhận thấy tiềm năng lớn để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam do ngành bất động sản logistics còn ở giai đoạn đầu. Ông Yang, cựu chủ tịch GLP cho biết, nhiều khách hàng từ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc quan tâm đến thị trường mới này.
Đón đầu cơ hội này từ vài năm trước, Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Warburg Pincus kết hợp với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Becamex IDC, thành lập một liên doanh để phát triển hệ thống nhà xưởng xây sẵn cho thuê, kho vận hậu cần hiện đại cho thuê và các sản phẩm liên quan đến bất động sản công nghiệp. Thành lập vào năm 2018, liên doanh này có vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD.
Đại gia kho vận liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam
|
Tập đoàn Mapletree, một nhà đầu tư khác đến từ Singapore, hiện sở hữu và quản lý tổng tài sản tương đương 719,2 triệu USD tại Việt Nam, với danh mục trải dài từ Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Bắc Ninh, với 8 dự án bất động sản và kho vận.
Trong bối cảnh gia tăng bảo hộ thương mại trên toàn cầu, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm kỉ lục về xuất khẩu, và đang trên đà phát triển trở thành trung tâm chế biến chế tạo mới. Xuất khẩu ghi nhận mức tăng trung bình 16,8% hằng năm trong giai đoạn 2010-2019. Tổng thặng dư thương mại năm trước đạt 9,9 tỷ USD.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, nhu cầu tìm kiếm các quỹ đất phát triển cơ sở kho vận tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp cũng là một trong những yếu tố khiến Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. Điều này một lần nữa thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong ngành công nghiệp nói chung và logistics nói riêng.
Dự kiến đến hết năm 2020, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước) tại các tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam.
Theo đánh giá, các kho lạnh hoặc kho mát cũng đang được xem là các xu hướng phát triển mới của ngành kho vận khi mà mạng lưới buôn bán và phân phối thực phẩm tươi sống mở rộng đáng kể ở cả phương thức trực tuyến và tại các cửa hàng, siêu thị hiện hữu.
Ở các khu vực nguồn cung đất công nghiệp hạn chế, mô hình kho cao tầng cũng bắt đầu xuất hiện nhằm tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho nhu cầu của các công ty thương mại điện tử.
Trong lúc giá thuê đất đã đạt mức cao ở các khu công nghiệp có vị trí đắc địa, việc tìm kiếm nguồn cung đất của khách thuê được mở rộng ra các khu vực xa hơn vùng trung tâm công nghiệp hiện hữu.
Thêm vào đó, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm pháp lý, nhân sự giúp hỗ trợ khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.
Điều này dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.
Theo CBRE, mặc dù còn nhiều rào cản với các nhà đầu tư như việc thiếu hụt quỹ đất công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở những trí thuận lợi (bao gồm gần cảng biển, cảng hàng không và khu đô thị lớn), ngành công nghiệp chế biến chế tạo và thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi nhanh chóng của chuỗi cung ứng và thương mại hóa toàn cầu, giao thương với các quốc gia phát triển tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.
Duy Anh, VNNET