Tăng trưởng GDP trong Quý 3 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất cho thấy tín hiệu phục hồi trong tháng 9, thông qua sự cải thiện từ chỉ số IIP và tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi cải thiện từ mức giảm -1,7% trong tháng 8 lên -0,6% trong tháng 9. Tiêu dùng nội địa chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi làn sóng thứ 4 xảy ra.
Tăng trưởng GDP Quý III: -6,17%
Tăng trưởng GDP trong Quý 3 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ, giảm mạnh so với mức tăng 6,6% trong Quý 2 và lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu của chúng tôi (GDP Quý 3 giảm khoảng 3% – 3,5%). Mức giảm này chủ yếu đến từ 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP, bao gồm ngành dịch vụ (-9,2%) và công nghiệp và xây dựng (-5,0%). Ngược lại, trong Quý 3, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ tăng trưởng của nền kinh tế trong khó khăn đại dịch, khi ghi nhận mức tăng trưởng +1,0%. Tính chung cho 9 tháng, GDP vẫn ghi nhận tăng trưởng +1,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp: -5,50%
Hoạt động sản xuất cho thấy tín hiệu phục hồi trong tháng 9, thông qua sự cải thiện từ chỉ số IIP và tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục giảm trong tháng 9, nhưng với tốc độ chậm hơn (chỉ giảm -5,5% so với cùng kỳ, so với mức giảm -7,7% trong tháng 8).
Tăng trưởng Xuất khẩu: -0,60%
Xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi cải thiện từ mức giảm -1,7% trong tháng 8 lên -0,6% trong tháng 9. Sự phục hồi chủ yếu nhờ vào xuất khẩu từ các ngành hàng như điện thoại (+15,2%), máy tính & linh kiện điện tử (+3,0%), sắt thép (+117%) bù đắp lại sự sụt giảm mạnh của hàng dệt may (-18,6% so với -10,8% trong tháng 8) và giày dép (-44,2% so với -39,5% trong tháng 8). Nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng vừa phải (+9,5%, so với +20,4% trong tháng 8), và giúp cán cân thương mại trở lại thặng dư 500 triệu USD sau khi ghi nhận thâm hụt liên tục trong năm tháng trước đó. Với việc các lệnh giãn cách đã bắt đầu được nới lỏng trên toàn quốc và các hoạt động kinh tế sẽ dần khôi phục trong tháng 10, chúng tôi kỳ vọng giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua và ngành sản xuất chế biến chế tạo sẽ quay lại đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: -28,41%
Tiêu dùng nội địa chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi làn sóng thứ 4 xảy ra. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ ước tính giảm -28,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ, phần nào cải thiện so với tháng 8. Tuy nhiên, nếu xét về số tuyệt đối, tổng mức bán lẻ vẫn thấp hơn khoảng 25% so với giai đoạn trước khi làn sóng thứ 4 xảy ra. Do vậy, mặc dù lệnh giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ dần trên phạm vi toàn quốc trong tháng 10, chúng tôi không kỳ vọng khu vực này sẽ bật lại nhanh chóng như trong các đợt dịch trước đó do tâm lý người tiêu dùng vẫn tiếp tục thận trọng về triển vọng mở cửa và hồi phục của nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): 1,82%
Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020, NHNN hầu như không có hoạt động điều tiết nào trên thị trường mở, đồng thời vẫn bơm tiền đồng thông qua kênh mua ngoại tệ, điều này giúp trạng thái thanh khoản dồi dào được duy trì trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, các nỗ lực hỗ trợ khách hàng bị tác động của dịch từ các NHTM đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,55%/năm, tính đến cuối tháng 9 năm nay. Lãi suất huy động cũng đã giảm khoảng 6 – 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021. Chúng tôi duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ được duy trì nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt. Các biện pháp của NHNN bao gồm giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, Bên cạnh đó, các gói cho vay lãi suất thấp cũng có thể được triển khai đến các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thặng dư NSNN (tỷ VND): 58.000
Chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong và sau dịch. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đã phải tăng trần nợ công để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, không gian tài khóa của Việt Nam vẫn còn đủ mạnh để có thể thực hiện thêm các gói hỗ trợ tài khóa bên cạnh các gói chính sách như hiện tại. Cụ thể, cân đối ngân sách trong 9 tháng đầu năm vẫn duy trì thặng dư khoảng 58 nghìn tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và đầu tư ước tính các gói hỗ trợ Covid trong năm 2021 là 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP năm 2020, tương đối nhỏ so với các nước trong khu vực, và tạo dư địa để Chính phủ có thể có thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong quý IV, tuy nhiên ít có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2021 và nhiều khả năng một phần vốn không nhỏ sẽ được chuyển nguồn để giải ngân trong năm 2022.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ: 10,40%
Tốc độ tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh trong tháng 9 với tổng số 33 triệu liều được tiêm (trung bình 745 nghìn liều/ngày). Tuy vậy, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thế giới, với tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất 1 liều là 34,4% và tỷ lệ tiêm đầy đủ là 10,4%.
Hoàng Việt Phương (Ms.)
Giám đốc Trung Tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI