Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng thấp kỷ lục

Những ngày qua, nhiều ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, đặc biệt điều chỉnh mạnh nhất với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6% một năm, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Biểu lãi suất niêm yết mới nhất của Vietcombank – một trong 4 nhà băng có vốn nhà nước, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 9. Lãi suất gửi 6 tháng tại ngân hàng này hiện chỉ được trả 4%, bằng với mức lãi suất 1 tháng tại một vài nhà băng khác. Bên cạnh đó, mức lãi cao nhất mà Vietcombank trả cho khách gửi tiết kiệm là 5,8%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Tương tự, BIDV, VietinBank cũng giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Khi gửi tại quầy của hai nhà băng này, lãi suất cho khoản tiền từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 3,5-3,8%, xuống còn 3,3-3,6%. Lãi suất cho khoản tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng áp dụng đồng loạt là 4,2%. Lãi suất từ một năm trở lên hiện chỉ còn 5,8%, trong khi trước đây là 6%.

Khách hàng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Như vậy, 3 trên 4 nhà băng có quy mô lớn nhất hệ thống là Vietcombank, BIDV, VietinBank đã tiếp tục giảm lãi suất, đưa mức lãi cao nhất khi gửi tại quầy về dưới 6%. Riêng Agribank vẫn chưa có thông báo mới.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay nhóm “big 4” ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm xuống dưới 6%. Hiện nay, ngoài các nhà băng có vốn nhà nước, Techcombank và MB là hai ngân hàng tư nhân đang trả mức lãi chỉ 5,8% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Bên cạnh đó, VPBank, Sacombank cũng tiếp tục giảm mạnh lãi suất dù hai ngân hàng này vừa có một đợt điều chỉnh vào đầu tháng 10.

Cụ thể, lãi suất tại VPBank áp cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm mạnh 0,4 điểm phần trăm. Lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm. Khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng, chỉ được trả từ 5,3-5,7% trong khi trước đó là 5,7-6,2%.

Tương tự, Sacombank cũng giảm sâu lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở với mức 0,2- 0,5 điểm phần trăm. Với kỳ hạn một năm, lãi suất giảm sâu từ 6,5% xuống 6%.

Bên cạnh đợt điều chỉnh mới của một số nhà băng lớn này, từ đầu tháng 10, gần 20 ngân hàng trên toàn hệ thống cũng đã giảm lãi đối với hầu hết kỳ hạn, có nơi giảm tới 0,5 điểm phần trăm.

Từ cuối tháng 9, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn còn tiếp tục trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Theo đó, lãi suất huy động bình quân có thể giảm 0,8-1 điểm phần trăm trong cả năm nay.

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất

Một nửa nhà băng trên toàn hệ thống đã giảm lãi suất tiết kiệm cho hầu hết kỳ hạn, có nơi giảm tới 0,5 điểm phần trăm.

Từ ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,25% xuống 4%. Đến nay, một nửa số nhà băng trên toàn hệ thống có mức lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn dưới 6 tháng đang cao hơn hoặc xấp xỉ 4% đã hạ lãi suất về dưới mức trần mới.

Không chỉ hạ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, khoảng 15 ngân hàng cũng đồng thời giảm cả lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Mức giảm phổ biến là 0,1-0,3 điểm phần trăm, thậm chí có một số đơn vị giảm sâu tới 0,4-0,5 điểm phần trăm.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất tại TPBank, Sacombank,VPBank giảm 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm. Một số nhà băng khác như SCB, NCB, OCB, Kienlongbank, VietABank, VietBank, HDBank, NamABank… giảm mạnh tay hơn, có nơi giảm sâu tới 0,5 điểm phần trăm.

Tại HDBank, tuy lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã thấp hơn trần quy định, nhà băng này tiếp tục đưa lãi suất về còn 3,55%. Kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng giảm 0,35% xuống còn 5,45%, kỳ hạn một năm cũng giảm 0,15 điểm phần trăm.

NamABank cũng giảm 0,2 đến 0,5 điểm phần trăm cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tương tự, lãi suất của SHB giảm sâu tới 0,4 điểm phần trăm.

Trước đó, trong tháng 9, gần 20 nhà băng cũng đã giảm sâu kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong bối cảnh giới ngân hàng thừa vốn khi khó tìm đầu ra tín dụng.

Quỳnh Trang

About TCKD